Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2012

Châu Phi trước cuộc đổ bộ của Trung Quốc


Châu Phi trước cuộc đổ bộ của Trung Quốc


Chương 1
-         Trăm kiểu ngược đãi



-Trong khi các quốc gia châu Phi ngửa tay vay tiền của Trung Quốc thì người lao động châu lục này khốn khổ dưới sự cai trị hãi hùng của các ông chủ người Trung Quốc.
Trong ánh chạng vạng ở thủ đô Harare (Zimbabwe), khu phức hợp còn hiện lên trong tầm mắt. Bên ngoài một bức tường an ninh cao, côn trùng nhảy nhót trong quầng sáng của một ngọn đèn pha khổng lồ. Những người đàn ông vẫn còn lao động khổ sở bên bộ khung của mấy khối nhà bê tông cao tầng.
 Đánh đập hoành hoành..
Khu vực công trình xây dựng Trường ĐH Quân sự của Zimbabwe còn ngổn ngang được bảo vệ nghiêm ngặt, nơi mà sự hiện diện của nó phát đi một thông điệp rõ ràng cho bất kỳ cuộc cách mạng tương lai nào. Một số người gọi nó là “trường tình báo quốc gia của Robert Mugabe (Tổng thống Zimbabwe)”. Thực chất nó là Trường ĐH Quân báo Zimbabwe. Và cái công trình xây dựng ở phía bắc thủ đô Harare này cũng trở thành cột thu lôi hút một sự oán giận sôi sục khác đối với tập quán lao động của TQ.
Được bao quanh bởi một vòng tường chạy dài một cây số qua những nơi từng là đất nông nghiệp, trường quân sự u tối đang được một nhà thầu TQ xây dựng. Người ta cáo buộc các quản lý của nhà thầu mang đến đất nước này “các hình phạt thân thể, điều kiện làm việc cùng khổ và tiền lương ít ỏi”.
“Những vụ đánh đập xảy ra rất thường xuyên”, một thợ mộc 28 tuổi mặc áo bảo hộ màu xanh da trời đang trở về nhà sau ca làm 14 tiếng đồng hồ kể, “Họ hành hạ bạn và nếu bạn mắc lỗi, họ đánh đập bạn. Hôm qua tôi thấy mấy người đàn ông bị nện. Một anh kêu lên: “Mấy ông không coi chúng tôi là con người”, tay TQ trả lời: “Mày nên đánh giá cao việc chúng tao đến đây để giúp đỡ mày”. Chúng đánh đập và sau đó sa thải anh ấy”.
Anh thợ mộc ước tính rằng có khoảng 600 công nhân Zimbabwe và 300 công nhân TQ làm tại công trường xây dựng. “Có 50 quản lý người TQ. Công nhân TQ có nhà cửa tốt đẹp bên trong, trong khi những người khác sống trong các khu lán gỗ ngay bên ngoài công trường. Người Zimbabwe và người TQ hiếm khi hòa hợp được với nhau. Họ không biết nói tiếng Anh, vì vậy chúng tôi phải sử dụng ngôn ngữ ký hiệu. Người TQ ăn xong đã đời, rồi ném cho chúng tôi chỗ đồ thừa” - anh thợ mộc nói.
Một công nhân từ chối tiết lộ danh tính khác cho biết có sự phân biệt đối xử tại công ty. Tại Lesotho, quốc gia ở miền Nam châu Phi, công nhân đình công rầm rộ đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc. Một chị công nhân kể: “Công nhân TQ và Lesotho không được đối xử bình đẳng. Người TQ là những người duy nhất nhận được lợi ích tại công ty này. Nhà ở trên công trường chỉ dành cho người TQ và một khu nhà ở như thế đang được hoàn thành cho người Lesotho, nam nữ ở chung, thậm chí phải chia nhau phòng tắm”.
Chị này cáo buộc rằng công nhân Lesotho uống nước lấy từ sông, trong khi đó công nhân TQ uống nước đóng chai. “Bác sĩ của công ty là một người TQ, không có khả năng giao tiếp với chúng tôi bởi vì ông không nói tiếng Anh” - chị nói tiếp. 
Nạn phân biệt đối xử
Các báo cáo về tình trạng ngược đãi của các quản lý thuộc nhà thầu TQ, Công ty Xây dựng kinh tế ở nước ngoài An Huy (AFECC), được công bố rộng rãi, bên cạnh đó là các khiếu nại cho rằng chính phủ Zimbabwe giả vờ không thấy bởi vì họ không thể để mất một đối tác có giá trị như vậy.
Trên đường đi làm ca đêm, một công nhân xây dựng Zimbabwe 26 tuổi kể: “Chúng tôi cố gắng đình công nhưng các nhà lãnh đạo bị đánh đập và sa thải. Chính phủ không hé môi một điều gì, mặc dù họ biết người Zimbabwe bị đánh đập. Tôi thấy chúng lột quần áo một số công nhân và lấy mũ bảo hiểm đánh họ. Một số người đã khóc”.
Các nhà báo cố gắng liên hệ với AFECC qua điện thoại và thư điện tử nhưng đã thất bại. Trang web của công ty này đề cập đến các dự án ở Bờ Biển Ngà, Mozambique và Zambia, và mô tả nhóm dự án xây dựng Trường ĐH Quân báo Quốc gia Zimbabwe đã nâng mức lương 4.570 USD cho một thợ mộc như thế nào (!).
Tại công ty khai thác kim cương của TQ ở Zimbabwe, một công nhân khai:“Các quản lý TQ tại công ty đã giao hợp người lao động qua hậu môn. Mặc dù ban quản lý hứa hẹn này kia, thủ phạm không bị trục xuất về TQ. Không có hành động nào được thực hiện”.
Ban quản lý công ty nói trên đã viết một bức thư xin lỗi ủy ban công nhân về vụ tấn công tình dục nhưng không nói gì về kế hoạch khắc phục.
Chưa hết, người ta còn cáo buộc công ty khai thác kim cương có những hành vi đáng xấu hổ khác như đào ủi nghĩa địa để mở đường đến hầm mỏ, ném phần hài cốt còn lại của người chết qua một bên chứ không chuyển đến một nghĩa trang mới.
Chính phủ Zimbabwe đã vay của TQ 98 triệu USD để xây dựng trường đại học này. Đổi lại, TQ sẽ kiếm lời qua việc khai thác các bãi kim cương ở Marange trong 20 năm. Cũng tại nơi này, một công ty TQ khác đã và đang khai thác bị cáo buộc vi phạm nhân quyền dưới hình thức quản lý người lao động kiểu nhà binh.
 Chính phủ thờ ơ, tổ chức nhân quyền lên tiếng
Trong khi chính phủ phớt lờ việc đồng bào mình bị chủ TQ đánh thì các tổ chức nhân quyền đã lên tiếng. Báo cáo của tổ chức Quan sát Nhân quyền cáo buộc điều kiện làm việc thảm hại của công nhân tại các mỏ đồng giáp Zambia đã làm dấy lên sự ác cảm và nghi ngờ trong người dân Zimbabwe. Công đoàn Thương mại đã kêu gọi hành động và các thành viên của đảng cầm quyền Zanu-PF của ông Mugabe bày tỏ sự băn khoăn.
Ông Machisa, Giám đốc Hiệp hội Nhân quyền Zimbabwe, nói: “Chúng tôi được báo động, tình trạng vi phạm nhân quyền đến mức gây sốc trong các công ty do người TQ điều hành. Chúng tôi có bằng chứng thực tế gây sốc cho người dân Zimbabwe. Họ đang hành hạ thân thể và khủng bố tâm lý người lao động. Nhưng họ không bị truy tố, trừng phạt”.
Giải thích nguyên nhân của tình trạng này, ông Machisa cho rằng: “Việc Quốc hội phê duyệt một khoản nợ như vậy mà không cần lấy ý kiến người dân Zimbabwe là rất nghiêm trọng. Tại sao chúng ta ưu tiên xây dựng một trường đại học tình báo quân đội chứ không phải các trường đại học dân sự và bệnh viện?”.
Trong khi đó, Tổ chức Tự do dân sự Nigeria đã kêu gọi chính phủ liên bang nước này điều tra nội dung các cáo buộc đối với nạn hành hạ người Nigeria đang làm việc trong các công ty do nước ngoài, chủ yếu là TQ, sở hữu. Người đứng đầu tổ chức trên tại bang Akwa Ibom, ông Clifford Thomas, cho biết lời kêu gọi trên đã trở thành khẩn thiết trước tình hình ngày càng có nhiều vụ vi phạm nhân quyền, cụ thể là hành hạ người Nigeria đang làm việc trong các công ty này. Ông Clifford Thomas cho rằng một trong những công ty khét tiếng với những vụ vi phạm trắng trợn các quyền của người lao động Nigeria là Công ty Xây dựng và Cơ khí dân dụng của TQ (CCECC).
Theo báo cáo của cảnh sát mà người ta thu thập được từ đồn cảnh sát Ibesikpo hôm 28-3-2012, một người đàn ông tên Emaeyak Edem bị các nhân viên bảo vệ có vũ trang tấn công; người ta cáo buộc họ hành động theo lệnh của một ông chủ TQ mà ban đầu người ta xác định là ông Mor. Biên bản của bác sĩ I. Chike có đoạn: “Bệnh nhân được đưa vào bệnh viện hôm 28-3-2012 khai bị bảo vệ đánh đập. Qua kiểm tra, phát hiện vết bầm tím sâu, sưng, rách đầy thân thể của bệnh nhân”.
Ông Thomas nói Edem là một tài xế xe ben, anh đến công ty để hỏi anh có thể ký hợp đồng cung cấp cát và các loại vật liệu cầu đường khác. Khi Edem đến đó, anh bị “một ông tên Mor, nhân viên TQ làm cho CCECC, ra lệnh cho một nhân viên bảo vệ của công ty ở Ibesikpo bắt cóc hôm 28-3-2012. Bọn chúng đưa anh ta đến sân của CCECC ở Mbierebe Akpawat, cách đó 8 km, chĩa súng. Tại sân, Mor xui mấy bảo vệ có vũ trang đánh đập Edem không thương tiếc, bắt anh nằm trên sàn nhà nóng hầm hập, ngửa mặt anh lên và nện anh cho đến khi nạn nhân mê man ngất đi hồi 2 giờ chiều cùng ngày”.
Với những gì xảy ra như trên nhưng người TQ cho rằng nguyên nhân của vấn đề là do khác biệt về văn hóa. Một người TQ nhập cư tên là Li Chen, 29 tuổi, nói: “Nếu mọi người ngồi xuống, nói chuyện và hiểu nhau, vấn đề sẽ thay đổi”. Liệu thực tế có thật như vậy?






Chương 2
Phản kháng trong vô vọng


Tức nước vỡ bờ, những người cùng khổ châu Phi đã đứng lên phản kháng lại giới chủ người Trung Quốc.
Nhưng rồi phản kháng của họ tỏ ra yếu ớt trước “ách thực dân mới” và cả trước thái độ làm ngơ của chính quyền.
Tại Lesotho, công nhân nổi giận chống lại Sinohydro, một công ty do người Trung Quốc (TQ) sở hữu. Cuộc đình công làm đình trệ công việc xây dựng đầm Metolong. Năm ngoái, Lesotho thuê Công ty Sinohydro xây dựng đập Metolong và trạm bơm nước chưa qua xử lý. Dự án này dự kiến được hoàn thành vào năm 2013 do chính phủ Lesotho, Nam Phi, Ngân hàng Thế giới, Tập đoàn Millennium Challenge và Ngân hàng Đầu tư châu Âu tài trợ. 
 Đình công thì cứ đình công
Cuộc đình công tại Công ty Sinohydro có khả năng gây trở ngại cho dự án. Nhưng điều đó không làm cho người đứng đầu Công ty Sinohydro, ông Song Yi Jun, lo lắng. Người lao động tiếp tục đình công sau khi ban quản lý từ chối tăng lương, trả tiền làm ngoài giờ và cải thiện điều kiện làm việc của họ. 
Trả lời tờ Sunday Express, ông Song cho rằng công ty sẽ không xem xét tiền lương bởi vì ông đã trả lương cao hơn mức mà công ty khác trong ngành công nghiệp xây dựng đang trả (?!). Ông Song nói nếu công nhân không hài lòng với mức lương và điều kiện làm việc ở đây, họ có thể nghỉ việc và tìm việc làm ở nơi khác. “Chúng tôi đã đào tạo những người này vì họ không có tay nghề, họ không biết gì về xây dựng một con đập”. Theo ông, mức lương ông trả cho công nhân là mức “đỉnh” rồi, không thể trả hơn được nữa. 
Trước sự đình công lan rộng, giới chủ TQ cáo buộc Hiệp hội Công nhân Lesotho (Lewa) - tổ chức công đoàn của nước này - xúi giục các cuộc đình công. Nhưng tổng thư ký của Lewa, ông Mosesanyane Masoebe, cho rằng công ty đã gây ra cuộc đình công sau khi thất bại trong việc đàm phán với người lao động. “Chúng tôi đã cố gắng nói chuyện với ban quản lý về sự bất bình của nhân viên nhưng họ không sẵn sàng đàm phán” - ông Masoebe nói.
Công nhân cho biết sẽ tiếp tục đình công. Tsepiso Rantle, một công nhân làm tại đập nước, cho biết công nhân sẽ không quay lại làm việc cho đến khi yêu cầu của họ được giải quyết. “Chúng tôi muốn giới chủ trả mức lương sống được, thực phẩm và các khoản phụ cấp vận chuyển và trả tiền làm thêm cao hơn” - Rantle nói - “Chúng tôi cần điều kiện làm việc tốt hơn và quần áo bảo hộ an toàn”.
Con đập được xây dựng trên sông Phuthiatsana trong khu vực Thaba-Bosiu, dự kiến cao 73 m. Nó có các khả năng tích 53 triệu mét khối nước khi hoàn thành. Cuộc đình công đã làm gián đoạn tiến độ xây dựng đập nước.
. Chính quyền “bắt tay” với giới chủ
Những cảnh ngược đãi, hành hạ công nhân bản địa của giới chủ TQ khiến nạn nhân nổi điên. Tại Zimbabwe, một công nhân thú nhận: “Chúng tôi cảm thấy tức giận nhưng chúng tôi cần tiền, vì vậy không có sự lựa chọn nào khác. Nếu bạn không làm việc 10 giờ mỗi ngày, bạn không có đồng xu nào”.
Không phải ai cũng sợ mất việc mà không dám đình công như anh công nhân kia. Những người khác đình công mạnh mẽ và thất bại do những nguyên nhân đau xót còn hơn bị người TQ đánh đập.
Cũng ở Zimbabwe, công ty khai thác mỏ kim cương của TQ đã sa thải 1.500 công nhân từng tham gia đình công đòi cải thiện tiền lương và điều kiện làm việc. Tòa án đã phán quyết rằng cuộc đình công là bất hợp pháp, cho phép các ông chủ sa thải bảy thành viên của ủy ban công nhân và có cách tiếp cận căng thẳng hơn nhiều để hà hiếp và trừng phạt người lao động. 1.500 công nhân lúc đầu bị đình chỉ nhưng ngay sau khi có phán quyết của tòa án thì đã bị sa thải.
Trong khi đó, một nhóm giám sát hành vi vi phạm nhân quyền trong ngành công nghiệp khai thác mỏ cho rằng: “Quyết định sa thải người lao động nói trên là tùy tiện, vi phạm trắng trợn quyền của người lao động tham gia bãi công vì họ phải làm việc trong điều kiện kinh khủng”. Theo nhóm giám sát, cách mà công ty giải quyết sự bất bình có thật của công nhân là không thể chấp nhận được trong xã hội hiện đại. Có những dấu hiệu rõ ràng của việc vi phạm nhân quyền đối với công nhân. Những người công nhân bị giới chủ TQ đánh bằng nắm đấm, bị đá khắp người và bị phân biệt chủng tộc.Ngoài ra còn có các báo cáo về tình trạng người TQ dùng vũ lực giao hợp qua hậu môn đối với dân địa phương. Những vụ này cần phải được điều tra.
Ngoài ra, người ta còn cáo buộc công ty khai thác kim cương bắt tay lực lượng vũ trang Zimbabwe. Có nguồn tin cho hay Chuẩn tướng Charles Tarumbwa sở hữu một nửa  cổ phần của công ty.
. Con giun xéo lắm cũng oằn
Bên cạnh sự hành hạ công nhân của người TQ, chính thái độ của quan chức châu Phi đã khiến người lao động châu lục này phẫn nộ. Đơn cử trường hợp sau tại Nigeria: Giám sát công trình của Công ty Xây dựng và Cơ khí dân dụng của Trung Quốc (CCECC) - một người TQ - bị cáo buộc ngược đãi công nhân. Trong một vụ việc gần đây, hắn đã vô cớ xâm phạm thân thể, hành hung và đánh một thợ sắt tên là Okon Matthew.
Ông Thomas, một lãnh đạo Tổ chức Tự do dân sự Nigerria, khẳng định rằng hai công nhân Nigeria khác bị lột trần truồng, bị các bảo vệ của công ty (là người TQ) đánh đập và đổ dầu lên người theo lệnh của quản lý. Người TQ không hề tôn trọng người Nigeria đang làm việc cho họ. Một công nhân nói: “Bạn nên đến công ty để chứng kiến cảnh người TQ hành hạ và đối xử thô bạo với chúng tôi thế nào. Họ coi chúng tôi như thú vật”.
Khi nhà báo liên lạc qua điện thoại với viên cảnh sát quan hệ công chúng, ông Dickson Etim, thì ông ta không nghe máy, sau đó ông ta cũng không trả lời văn bản gửi đến. Người phụ trách quan hệ công chúng của một công ty từng bị cáo buộc hành hạ công nhân cũng phủ nhận chuyện người TQ vi phạm các quyền của người lao động Nigeria. Ông này mô tả người TQ là những người cư xử tốt, không thô lỗ cũng không gây thương tích cho người lao động của họ (?).
Trên thực tế, những cuộc nổi dậy và đụng độ đã liên tục xảy ra.
Tháng 11-2011, bốn người TQ ở Nam Phi bị thiêu sống trong một vụ cố ý phóng hỏa nhà ở. Tại Zambia hồi tháng 8-2012, do bất đồng về công nhật, những người thợ mỏ đã dần một tay cai TQ đến chết trong một chiếc xe tải chở than. Tại Ghana, các thợ mỏ người TQ có vũ trang không chính thức đã va chạm với các băng nhóm thanh niên địa phương khiến chính quyền phải thẳng tay trừng trị người TQ. Trước đó một tí, tại Angola, 37 người đàn ông TQ bị trục xuất do nghi ngờ tham gia một băng đảng tội phạm đốt các nạn nhân bằng xăng và sau đó đem chôn.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét